• Home
  • Nhầm lẫn phổ biến giữa gậy bản quyền và Content ID trên YouTube

Nhầm lẫn phổ biến giữa gậy bản quyền và Content ID trên YouTube

Có rất nhiều người dùng YouTube chưa hiểu đúng hoặc hiểu sai về các thông báo bản quyền từ YouTube. Hiện nay, ngay cả báo chí cũng thường xuyên có sự nhầm lẫn và cách dùng từ sai lệch khi đề cập đến gậy bản quyền trên YouTube. Đa phần đều không phân biệt được sự khác nhau giữa gậy bản quyền và thông báo xác nhận quyền nội dung trong video thông qua Content ID. Hãy cùng tìm hiểu xem hai khái niệm này có những điểm gì khác nhau trong bài viết này nhé.

Điểm khác nhau lớn nhất của hai loại hình thông báo bản quyền này đó là kết quả liên quan tới trạng thái video trên YouTube.

Với một video bị nhận gậy bản quyền thì kết quả là video bị gỡ bỏ khỏi nền tảng này, người dùng không thể tìm thấy và xem được video đó trên YouTube nữa.

Khi truy cập vào URL của một video bị đánh gậy bản quyền, người dùng sẽ không xem được mà nhận thông báo video không còn hoạt động do có khiếu nại về bản quyền.

Trái lại, khi video bị xác nhận Content ID, phần lớn các video sẽ vẫn được hiển thị bình thường trên YouTube cho tất cả mọi người xem. Chỉ trong một số ít trường hợp có nhiều đơn vị cùng sở hữu bản quyền một nội dung nhưng ở các lãnh thổ khác nhau, khi đó chủ sở hữu bản quyền có thể chọn hình thức chặn không cho người dùng xem ở một số quốc gia họ không sở hữu quyền, nhưng vẫn hiển thị bình thường ở một số quốc gia khác mà họ nắm quyền. Khi đó, thực chất video vẫn tồn tại trên YouTube, chứ không phải bị xóa khỏi nền tảng này như trường hợp bị đánh gậy bản quyền.

Điểm khác biệt thứ hai là rủi ro tiềm tàng đến từ hai loại hình thông báo bản quyền này.

Khi kênh YouTube của bạn bị nhận 3 gậy bản quyền, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì không chỉ các video nhận gậy bản quyền bị gỡ bỏ khỏi YouTube mà kênh YouTube đó cũng sẽ bị xóa hoặc tạm ngưng. Nếu video bị đánh gậy bản quyền trên kênh của bạn là video dạng phát trực tiếp (live stream) thì chỉ cần một gậy bản quyền thôi cũng có thể khiến kênh của bạn bị tắt tính năng phát trực tiếp.

Đối với xác nhận Content ID, kênh YouTube của bạn sẽ không phải chịu các rủi ro tiềm tàng kể trên. Kể cả khi kênh của bạn nhận được rất nhiều thông báo xác nhận Content ID, YouTube sẽ không xóa hay tạm ngưng kênh của bạn. Cho dù có đến hàng trăm video trên kênh YouTube của bạn bị nhận diện qua Content ID thì kênh vẫn tồn tại bình thường, và tính năng phát live vẫn sẽ hoạt động, không hề hấn gì.

Nếu mục đích sử dụng video YouTube của bạn chỉ đơn thuần là chia sẻ, muốn những người dùng YouTube khác có thể xem nội dung bạn đăng lên, thì bạn hoàn toàn có thể bỏ qua các thông báo Content ID này và tiếp tục dùng các video này trên kênh một cách bình thường mà không có gì phải lo lắng hết.

Trái lại, trong trường hợp bị đánh gậy bản quyền, bạn sẽ phải liên hệ với chủ sở hữu bản quyền nội dung vi phạm để đàm phán và xin phép họ. Nếu chủ sở hữu bản quyền chấp thuận rút lại khiếu nại của họ với YouTube thì video của bạn mới được khôi phục. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi thông báo phản đối và chờ kết quả sau 10 – 14 ngày kể từ khi thông báo phản đối được chuyển tiếp đến bên khiếu nại. Nếu sau 14 ngày, bên khiếu nại không cung cấp được cho YouTube bằng chứng cho thấy họ đã tiến hành biện pháp pháp lý, ví dụ như khởi kiện, thì video của bạn sẽ có cơ hội được khôi phục.

Ngoài ra, gậy bản quyền còn có điểm khác so với xác nhận Content ID ở quy trình thực hiện. Việc đánh gậy bản quyền được thực hiện một cách thủ công và có chủ đích bởi con người, trong khi đó xác nhận Content ID chủ yếu được thực hiện một cách tự động bởi hệ thống của YouTube.

024.2243.2642