• Home
  • Đánh giá hiệu quả video YouTube của bạn bằng công cụ YouTube Analytics

Đánh giá hiệu quả video YouTube của bạn bằng công cụ YouTube Analytics

Sau khi đăng video lên YouTube, việc đánh giá hiệu quả nội dung sáng tạo của bạn rất quan trọng. Nó sẽ giúp giúp bạn rút kinh nghiệm cho việc sản xuất các video tiếp theo, cũng như định hướng đúng đắn cho con đường làm YouTube của mình trong tương lai. Việc đánh giá hiệu quả của video không chỉ nên dừng lại ở những con số bề ngoài dễ thấy như số lượt xem (view), lượt thích (like) hay bình luận (comment) bên dưới mỗi video. Hãy sử dụng triệt để công cụ về số liệu phân tích Analytics trong YouTube Studio để có được cái nhìn sâu sắc về hiệu quả video của bạn.

Hãy để ý đến hiệu suất của tỷ lệ nhấp và thời gian xem của video. Tỷ lệ nhấp của số lượt hiển thị hình thu nhỏ cho thấy mức độ hấp dẫn của chủ đề nội dung bạn đang làm và ảnh thu nhỏ mà bạn chọn làm đại diện cho video. Nếu con số này quá thấp so với những video của kênh khác hoặc so với chính những video trước đó bạn đã làm, điều đó chứng tỏ chủ đề đó không còn hấp dẫn người xem hoặc bạn đã mắc sai lầm trong việc chọn hình thu nhỏ.

Các chỉ số liên quan đến tỷ lệ giữ chân người xem như Thời lượng xem trung bình hay Tỷ lệ phần trăm đã xem trung bình sẽ phản ánh độ cuốn hút của nội dung video với khán giả. Nếu % tỷ lệ thời gian xem của người dùng quá ít so với thời lượng video của bạn hoặc có sự giảm sút so với các video bạn đăng trước đây, điều đó có nghĩa là bạn cần xem xét lại cấu trúc kịch bản của video hoặc cách sáng tạo nội dung của mình.

Biểu đồ phân tích những khoảnh khắc giữ chân người xem cũng là một công cụ tuyệt vời giúp bạn cải thiện kịch bản hoặc cách xây dựng nội dung video của mình. Hãy chú ý đến các mốc tăng đột biến bởi đó chính là những cảnh, phân đoạn khiến người xem thích thú. Bạn cần tìm hiểu lý do khiến khán giả yêu thích phân đoạn đó để có thể khai thác và lặp lại yếu tố đó trong các video hoặc kịch bản sau này.

Những phân đoạn khiến khán giả xem lâu hơn bình thường chính là những khoảnh khắc hay nhất của video, cần được nghiên cứu để có thể khai thác tốt hơn trong các kịch bản sau này.

Ngược lại, các mốc sụt giảm là những phân đoạn gây nhàm chán cho người xem, khiến họ rời đi hoặc bỏ qua. Bạn cần tìm hiểu lý do khiến người xem bỏ đi để tránh lặp lại sai lầm trong các video tiếp sau.

Bên cạnh đó, hãy để ý đến các chỉ số về lượt đăng ký như số người đăng ký đã đạt được và số người đăng ký bị mất. Nếu phát hiện thấy video nào có số lượt người đăng ký bị mất nhiều hơn số lượt đăng ký đạt được hoặc có số lượt đăng ký bị mất nhiều nhất, bạn nên xem xét lại cách làm nội dung của video đó, tìm hiểu xem tại sao nội dung đó lại khiến nhiều khán giả hủy đăng ký kênh của bạn và rút kinh nghiệm cho các video sau này.

 

Còn rất nhiều chỉ số nữa trong YouTube Analytics sẽ rất hữu ích cho việc cải thiện video của bạn. Tuy nhiên, để có thể sử dụng thành thạo công cụ này và khai thác được hết các báo cáo của YouTube Analytics, bạn cần có thời gian và kinh nghiệm. Tại BH Media, chúng tôi có rất nhiều chuyên gia giỏi có thể giúp bạn phân tích các báo cáo YouTube Analytics, từ đó đưa ra những lời khuyên để bạn có thể cải thiện video cũng như định hướng xây dựng kênh YouTube của bạn. Khai thác được tối đa các chỉ số từ báo cáo Analytics sẽ giúp bạn hiểu rõ thị hiếu khán giả của mình và dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trên nền tảng YouTube.

024.2243.2642